Quản lý nhóm là yếu tố quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu công việc, cũng như giữ chân nhân tài.
Sau quá trình tìm kiếm và tuyển dụng kéo dài, giờ đây bạn đã tìm được một đội ngũ đầy tài năng. Với những thành viên có thể làm việc chặt chẽ với nhau, năng suất làm việc sẽ được cải thiện đáng kể, đồng thời hình thành tính gắn kết trong văn hóa doanh nghiệp. Một phần thành công trong tương lai của nhóm sẽ phụ thuộc vào khả năng quản lý của bạn đối với những đồng nghiệp có tính cách, kinh nghiệm và mối quan tâm khác nhau. Vậy làm thế nào để giúp mọi người có thể tận dụng điểm mạnh của họ và cảm thấy được đối xử công bằng trong công việc?
7 lời khuyên để nâng cao kỹ năng quản lý nhóm để hoàn thành mục tiêu công việc quan trọng:
Đặt mục tiêu có tính thực tế
Nếu bạn muốn bắt đầu một dự án mới hoặc thay đổi mục tiêu chung của nhóm, hãy đảm bảo rằng bạn đưa ra kỳ vọng đúng với thực tế. Bạn nên cân nhắc mọi nguồn lực cần thiết để đạt được các mục tiêu mới, chẳng hạn như ngân sách hoặc khối lượng công việc của các thành viên sẽ tham gia. Với các dự án quá lớn so với khả năng của nhóm, hãy chia thành các nhiệm vụ nhỏ và dễ theo đuổi hơn. Chắc chắc bạn sẽ cần thêm thời gian để đạt được mục tiêu cuối cùng, nhưng mỗi thành công nhỏ trong quá trình này sẽ là một sự khích lệ đáng kể cho cả nhóm.
Xác định đúng động lực làm việc của các thành viên
Các lợi ích về tài chính thường rất hấp dẫn, nhưng không phải với tất cả mọi người. Trong thực tế, bạn có thể thúc đẩy động lực làm việc của các thành viên trong nhóm thông qua những cơ hội phát triển nghề nghiệp, thêm ngày nghỉ phép hưởng lương hoặc khích lệ bằng lời nói sự chăm chỉ và đóng góp của họ trong việc phát triển kinh doanh. Hãy tìm hiểu động lực làm việc thật sự của mỗi cá nhân và dùng sự hiểu biết của mình để khuyến khích cả nhóm vượt qua những khoảng thời gian khó khăn.
Đưa ra lời giải thích
Nhân viên của bạn nên được biết lý do đằng sau những thay đổi trong mục tiêu, tầm nhìn, chính sách hoặc hoạt động của công ty. Sẽ không hề dễ dàng để đối phó với những thách thức trong tương lai nếu họ không hiểu được lý do tại sao cần phải nỗ lực làm điều đó. Vì vậy, bạn nên đưa ra bức tranh toàn cảnh và giải thích rõ về ý tưởng đằng sau chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như những nỗ lực của họ sẽ đóng góp thế nào vào thành công chung.
Nhận xét tích cực về công việc của nhóm
Đừng chỉ tập trung vào các vấn đề khó khăn và chỉ trích nhân viên của bạn bằng những bình luận tiêu cực trong bảng đánh giá hiệu suất nhân viên. Liên tục bị phê bình chỉ khiến họ mất đi động lực và niềm vui trong công việc. Thay vào đó, hãy chú ý đến hiệu quả làm việc và gửi cho họ phản hồi tích cực mỗi khi bạn nhận thấy các kết quả xuất sắc để khuyến khích họ tự tin và cống hiến trong tương lai. Bạn cũng sẽ nhận thấy đây là một cách tốt và đơn giản để xây dựng chiến lược giữ chân nhân viên tốt hơn cho doanh nghiệp của bạn.
Giao việc phù hợp cho từng thành viên
Mọi người thường có xu hướng chăm chỉ và tích cực hơn trong công việc khi được làm những gì phù hợp với sở thích và thế mạnh của họ. Ở vị trí quản lý, hãy là người quan sát để xác định lĩnh vực phù hợp nhất cho từng thành viên và phân bổ nhiệm vụ một cách khôn ngoan dựa trên kỹ năng của họ. Ví dụ: nếu một đồng nghiệp trong Phòng nhân sự quan tâm hoặc từng có kinh nghiệm làm việc trong dịch vụ tuyển dụng, bạn có thể để họ quản lý quy trình làm việc với các công ty tuyển dụng.
Hiểu về từng cá nhân
Mặc dù không cần phải là những người bạn thân thiết để có thể hợp tác tốt trong công việc, thế nhưng sự hiểu biết về đồng nghiệp ở cấp độ cá nhân có thể giúp xây dựng mối quan hệ tốt hơn trong nhóm. Bạn có thể sắp xếp thời gian ngoài giờ làm việc để dùng bữa trưa, tổ chức các buổi giải trí hoặc làm việc tình nguyện để giúp nhóm của bạn làm quen với nhau trong môi trường thoải mái hơn. Từ đó, họ sẽ nhận ra cách để giao tiếp và làm việc với nhau tốt hơn, cũng như tạo nên ra sự gắn kết mạnh mẽ hơn giữa các thành viên trong nhóm.
Hãy là hình mẫu cho cả nhóm
Khi là quản lý, các thành nhiên trong nhóm sẽ theo dõi và học theo bạn, từ hành vi, thái độ đến đạo đức làm việc. Bạn sẽ là một yếu tố tác động lớn đến hiệu suất và văn hóa nhóm của cả bạn. Vì vậy, nếu bạn mong đợi mọi người làm việc đúng giờ, chính bạn hãy đúng giờ. Nếu không, họ sẽ bắt đầu hoài nghi về kỹ năng quản lý của bạn với tư cách là một lãnh đạo.
Kết luận
Quản lý nhóm luôn là một thách thức đối với tất cả các nhà quản lý, dù bạn vừa làm quen với vai trò này hoặc đã là một lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm. Tuy nhiên, với nỗ lực và sự giúp đỡ từ những lời khuyên trên đây này, bạn sẽ sớm thấy bản thân đang thể hiện rất tốt trong việc dẫn dắt các thành viên của mình đi đến thành công.