Dấu hiệu của môi trường làm việc độc hại (toxic workplace) và cách “giữ mình”

Career Development

Đa số mọi người đều cảm nhận được nếu môi trường làm việc của họ không lành mạnh. Sự độc hại trong văn phòng có nhiều biểu hiện, chẳng hạn như căng thẳng, kiệt sức, giảm năng suất, thông tin sai lệch hoặc xung đột cá nhân, v.v Tuy nhiên, khi phải xác định rõ các nhân tố độc hại và cách xử lý chúng, nhiều bạn sẽ thấy khó mà trả lời chính xác.

Điều gì tạo nên môi trường làm việc độc hại

Theo một nghiên cứu của Steven H. Appelbaum tại Đại học Concordia Montreal, các nhân tố độc hại tồn tại trong mọi tổ chức, nhưng không phải tổ chức nào cũng độc hại. Văn hóa làm việc được thiết lập từ trên xuống, bởi những người lãnh đạo. Điều đó có nghĩa là, người độc hại có vị trí càng cao thì càng nhiều người sẽ bị lây lan dịch bệnh, từ đó tạo nên văn hóa làm việc độc hại. Nếu dịch bệnh độc hại tồi tệ đến mức ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả hoạt động của một tổ chức thì tổ chức đó được coi là độc hại.

Một điều trở nên rõ ràng vào thời điểm này: sự độc hại là do con người tạo ra, và nó dễ lây lan. Xử lý sự độc hại đồng nghĩa với xử lý về mặt con người.

Một đội nhóm độc hại phá hủy năng suất công việc và sức khỏe tinh thần ra sao?

Một dự án được hỗ trợ bởi Google phát hiện rằng chìa khóa thành công của một nhóm không phải là kỹ năng, kinh nghiệm, sự nhiệt tình mà đáng ngạc nhiên thay, lại là cách các thành viên trong nhóm liên hệ với nhau. Họ gọi đây là “an toàn tâm lý (psychological safety) ”. Ở những nhóm có an toàn tâm lý, các thành viên không hề lo sợ khi đề xuất một ý tưởng mới, thách thức cách làm việc hiện tại hoặc yêu cầu giúp đỡ.

Đội nhóm của bạn có an toàn tâm lý không? Kiểm tra nhanh với bài kiểm tra 5 câu hỏi này nhé!

Về sức khỏe tâm thần và sự độc hại tại nơi làm việc, Amy Zadow, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Nam Úc kết luận:

 “Các công ty không khen thưởng hoặc ghi nhận sự chăm chỉ làm việc, áp đặt những yêu cầu vô lý và không cho quyền tự chủ khiến nhân viên của họ có nguy cơ trầm cảm cao hơn nhiều”.

Kiểm tra mức độ độc hại của nơi bạn làm việc

Bên cạnh phúc lợi và mô tả công việc, văn hóa nơi làm việc cũng là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi tìm kiếm một công việc mới. Dưới đây là một số đặc điểm từ nghiên cứu của Steven mà bạn có thể sử dụng để đánh giá mức độ độc hại của môi trường làm việc:

Tổ chức độc hại thường có các tính chất sau:

  • Không có khả năng đạt được các mục tiêu và cam kết;
  • Các quá trình giải quyết vấn đề được thúc đẩy bởi sự sợ hãi và hiếm khi đưa ra các quyết định tốt;
  • Giao tiếp nội bộ kém;
  • Lãng phí nhiều nguồn lực do các quyết định sai lầm và phải làm lại nhiều lần;
  • Mối quan hệ giữa các cá nhân được thúc đẩy bởi sự thao túng và lợi ích cá nhân.

Lãnh đạo / quản lý độc hại tiêm nhiễm sự độc hại cho người khác bằng các quy tắc:

  • Lãnh đạo phải có quyền kiểm soát tuyệt đối tất cả công việc;
  • Khi có vấn đề phát sinh, ngay lập tức tìm một bên khác để đổ trách nhiệm;
  • Che đậy những sai lầm;
  • Không bao giờ chỉ ra sự thực của một tình huống;
  • Không bao giờ bày tỏ cảm xúc của bạn trừ khi chúng tích cực;
  • Đừng đặt câu hỏi, hãy làm như bạn được bảo;
  • Không làm bất cứ điều gì ngoài vai trò của bạn;
  • Đừng tin bất cứ ai;
  • Không có gì quan trọng hơn việc cống hiến cho tổ chức;
  • Giữ hình ảnh của tổ chức bằng mọi giá.

Văn hóa độc hại

Ở một môi trường làm việc lành mạnh, những người quản lý độc hại sẽ được xác định như độc tố cần loại bỏ. Nhưng trong một môi trường có văn hóa độc hại, họ có xu hướng được thăng chức và khen thưởng. Sự mơ hồ và không nhất quán cũng chiếm ưu thế trong những nơi làm việc như vậy. Khi bạn thấy những dấu hiệu này trong một công ty, tốt nhất là bạn nên bước ra ngoài.

Làm sao “giữ mình” trong một văn phòng độc hại

Chúng tôi hy vọng bạn đang đọc bài viết này trước khi tham gia một công ty độc hại. Nhưng nếu bạn đã ở trong đó, thì đây là cách xử lý:

  • Đừng để văn hóa tiêu cực ngấm vào bạn: những câu chuyện phiếm trong văn phòng và chính trị có vẻ hấp dẫn, nhưng đừng bao giờ cắn câu. Hãy thật thà với chính mình và không thỏa hiệp.
  • Tìm kiếm những đồng nghiệp tích cực: bất kể dịch bệnh độc hại trong tổ chức của bạn tồi tệ đến mức nào, luôn có ít nhất vài đồng nghiệp cũng cảm thấy như bạn. Xây dựng mối quan hệ với những người cùng quan điểm sẽ tăng cường sự an toàn về tâm lý và khiến bạn cảm thấy được hỗ trợ.
  • Lưu giữ mọi hồ sơ: ghi lại mọi thứ bạn làm, từ email, tin nhắn, đến ghi chú cuộc họp, v.v. Bạn sẽ cần bằng chứng để chứng minh quan điểm của mình trong trường hợp có xung đột.
  • Giao tiếp: giải tỏa mọi hiểu lầm, vì chúng là hạt giống cho những vấn đề lớn hơn trong tương lai.
  • Xây dựng ranh giới: học cách nói không là khó đối với nhiều người, nhưng đây là điều bắt buộc trong một văn phòng độc hại. Đặt bản thân lên trên hết và công việc đứng thứ hai là hoàn toàn bình thường. Yêu thương bản thân chính là chìa khóa giúp bạn khỏe mạnh và phát triển bền vững về mặt tinh thần.
  • Ra đi: Khá trớ trêu khi phải nói điều này. Nếu bạn đang lãnh đạo một nơi làm việc độc hại, hãy sửa chữa nó. Nếu không, hãy buông tay. Nếu bạn vẫn chưa thể rời đi, ít nhất hãy có một kế hoạch để làm vậy. Có thể bạn cần một kỳ nghỉ ngắn để thư giãn một thời gian và cân nhắc xem nên cải thiện môi trường làm việc hay “let it go”. Bạn biết rõ nhất sự đánh đổi là gì.

Cuối cùng thì, một nơi làm việc độc hại là điều mà ai cũng trải qua ít nhất một lần trong sự nghiệp của mình. Đó không phải là thất bại, chỉ là một bước đi sai lầm mà thôi. Tất cả chúng ta đều học được nhiều điều từ vấp ngã hơn là thành tựu. Một vài bước lùi sẽ giúp bạn có được kinh nghiệm quý báu trong việc lựa chọn bước đi tiếp theo cho sự nghiệp của mình.

Tìm đúng người.

Dù bạn muốn tìm nhân viên tạm thời hay chính thức


Bắt đầu

Gọi chúng tôi

Liên hệ với văn phòng Adecco Việt Nam nói chuyện với chuyên gia nhân sự


Tìm một chi nhánh